Ngộ độc cá nóc: Nguyên nhân, dấu hiệu

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/12/2021 08:31 - Người đăng bài viết: bomviethuynh
Ngộ độc cá nóc: Nguyên nhân, dấu hiệu

Ngộ độc cá nóc: Nguyên nhân, dấu hiệu

1. Vì sao ăn cá nóc bị ngộ độc?

Nguyên nhân gây ngộ độc cá nóc chính là do độc chất tetrodotoxin ở trong cá nóc, tập trung ở trứng, ruột và tinh hoàn cá, một trong những chất có độc lực rất mạnh tìm thấy trong tự nhiên. Tetrodotoxin là chất độc không protein, tan trong nước và không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô) nhưng bất hoạt trong môi trường acid hoặc kiềm mạnh.

Tetrodotoxin được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa sau 5-15 phút và đạt đỉnh nồng độ sau 20 phút, thải trừ đáng kể qua nước tiểu. Độc chất này ảnh hưởng rất lớn tới hệ thần kinh, ức chế kênh natri, đặc biệt là ở cơ vân dẫn tới cản trở phát sinh điện thể và dẫn truyền xung động với hậu quả chính là liệt cơ và suy hô hấp.

cá nóc
Nguyên nhân gây ngộ độc cá nóc chính là do độc chất tetrodotoxin ở trong cá nóc, tập trung ở trứng, ruột và tinh hoàn cá
 
2. Các triệu chứng ngộ độc cá nóc

 

Biểu hiện ngộ độc cá nóc thường xảy ra sau 10-45 phút sau khi ăn cá nóc còn độc tố, kể cả khô hay ruốc cá. Ban đầu, người bệnh sẽ thấy tê miệng, lưỡi, 2 môi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn, kèm theo đó có thể có các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt;
  • Khó nói;
  • Ngón, bàn tay, bàn chân tê yếu;
  • Mất phản xạ;
  • Hạ huyết áp nghiêm trọng;
  • Trong 4-6 giờ các triệu chứng có thể tiến triển nặng thêm và dẫn tới tê liệt, mất ý thức cuối cùng là suy hô hấp và tử vong.

Để phân độ tác động gây độc của tetrodotoxin có thể chia làm 4 mức ảnh hưởng về thần kinh và tim mạch như sau:

  • Độ 1: Chỉ tê bì, dị cảm quanh miệng, có thể có hoặc không có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy;
  • Độ 2: Tê bì ở lưỡi lan lên mặt, đầu chi và các vùng khác, liệt vận động và thất điều, nói ngọng, đau đầu vã mồ hôi nhưng các phản xạ vẫn bình thường
  • Độ 3: Bệnh nhân co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, nói không thành tiếng, đồng tử giãn tối đa mất phản xạ ánh sáng, có thể vẫn còn tỉnh
  • Độ 4: Bệnh nhân nguy kịch, suy hô hấp nặng, loạn nhịp tim, hôn mê.
ngộ độc cá nóc
Biểu hiện ngộ độc cá nóc thường xảy ra sau 10-45 phút sau khi ăn cá nóc còn độc tố

3. Xử trí ngộ độc cá nóc như thế nào?

 

Nguyên tắc điều trị ngộ độc cá nóc gồm có:

  • Hạn chế sự hấp thu độc tốt của cơ thể
  • Điều trị triệu chứng
  • Can thiệp tích cực nếu có các biểu hiện đe dọa tính mạng như liệt toàn thân, suy hô hấp nặng

Để xử lý tại chỗ, nếu người bệnh có các triệu chứng của ngộ độc sau ăn cá nóc khoảng 3 giờ có thể cố gắng nôn ói, ho khạc, nên đặt người bệnh nằm nghiêng đầu thấp để chống sặc. Có thể cho người bệnh uống than hoạt tính khi còn tỉnh liều 30g pha với 250ml nước sạch. Đối với trẻ từ 1-12 tuổi, dùng liều 25g than hoạt tính với 100-200ml nước sạch. Đối với trẻ dưới 1 tuổi thì dùng 1g than hoạt tính/1kg cân nặng pha với 50ml nước sạch. Nên uống sớm trong vòng 1 giờ sau khi ăn cá nóc để đạt hiệu quả cao nhất.

Nếu người bệnh khó thở, thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo, thổi ngạt theo điều kiện hiện có tại chỗ và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Việc điều trị nên được tiến hành ở các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu. Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải đặc hiệu cho trường hợp ngộ độc cá nóc.


Tác giả bài viết: Vinmec
Nguồn tin: Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết