Nuôi cá bã trầu cộng sinh - “làm chơi ăn thiệt”

Đăng lúc: Thứ năm - 09/12/2021 20:19 - Người đăng bài viết: bomviethuynh
Nuôi cá bã trầu cộng sinh - “làm chơi ăn thiệt”

Nuôi cá bã trầu cộng sinh - “làm chơi ăn thiệt”

Anh Nguyễn Hồng Khương, 32 tuổi, ngụ khu vực Hòa Thạnh A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn,
là nhân vật từng được giới thiệu trên Báo Cần Thơ về mô hình nuôi ốc bươu hiệu quả.
Không chỉ vậy, mô hình nuôi cá bã trầu cộng sinh “độc, lạ” của anh Khương cũng đang cho hiệu quả rất tốt.

 

Giăng lưới bắt cá bã trầu trong ao nuôi ốc.

 

Giăng lưới bắt cá bã trầu trong ao nuôi ốc.

Cuối tuần, anh Khương đang chuẩn bị 2kg cá bã trầu chạy ô-xy để cá sống, giao cho khách. Với giá bán 250.000 đồng/kg, anh Khương có thêm thu nhập kha khá từ công việc làm thêm này. Anh Khương cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, phần lớn các quán ăn, nhà hàng đóng cửa nên lượng tiêu thụ cá bã trầu hạn chế và giảm giá mạnh. Lúc cao điểm, giá cá bã trầu chạy ô-xy có thể lên đến 500.000 đồng/kg.

Với diện tích 1,2ha mặt nước nuôi ốc bươu đen, anh Khương dẫn nước từ sông, rạch vào thì cá bã trầu len dòng nước vào theo. Do môi trường nuôi ốc cũng thuận lợi cho cá phát triển, sinh sản nên số lượng ngày một lớn dần. Anh Khương phân tích: Trong ao ốc, người nuôi ngại nhất những loài cá lớn như rô phi, cá lóc, cá trê phi... vì chúng sẽ ăn trứng ốc và ốc non mới nở, tỷ lệ hao hụt ốc rất lớn nên phải tìm cách loại trừ. Nhưng cá bã trầu thì không làm hại ốc mà lại phát triển tốt do môi trường cộng sinh phù hợp, thức ăn của chúng chủ yếu là phân ốc và động vật phiêu sinh.

Do thấy cá bã trầu không có hại mà chỉ có lợi nên anh quyết định nuôi cộng sinh với ốc. Tạo điều kiện để cá bã trầu phát triển tốt, đồng nghĩa với việc tạo môi sinh phù hợp cho ốc bươu phát triển. “Một công đôi việc” nên việc nuôi cá bã trầu gần như không tốn bất kỳ một chi phí nào, từ con giống cho đến thức ăn, chăm sóc... nên hiệu quả kinh tế cao. Cũng theo anh Khương, cá bã trầu sinh sản rất nhanh và nhiều, có thể so sánh với cá bảy màu nuôi cá kiểng, nên nguồn con giống rất phong phú. Theo chu kỳ, cứ 6 tháng anh tát ao để thu hoạch ốc, cá và cải tạo ao. Anh chừa lại một ít cá bã trầu làm giống thả lại và cứ thế, thu hoạch liên tục theo đơn đặt hàng của khách.

Với 9 ao nuôi, tùy theo đơn đặt hàng của khách mà anh Khương bán từ 5-20kg cá mỗi tháng. Với giá dao động từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng/kg, nguồn thu lợi từ cá bã trầu giúp anh trang trải chi phí sinh hoạt, còn nguồn thu từ ốc bươu là “của để dành”.

Cá bã trầu, hay còn được gọi với những tên khác là cá bãi trầu hay cá bảy trầu, thuộc họ cá sặc, nhưng nhỏ hơn, khá giống và lớn hơn cá lia thia đôi chút. Cá sống trong môi trường nước trong, chảy chậm, hoặc nước ao, đặc biệt phù hợp với môi trường có thảm thực vật, phiêu sinh dày đặc - vừa là nơi trú ngụ, vừa là nguồn thức ăn cho cá.

Để bắt cá, nếu đem về chế biến liền thì anh Khương dùng lưới mắc nhỏ để giăng, chỉ sau khoảng 15 phút, cá đã dính lưới, gỡ được từ 100-200 gram/tay lưới. Còn để bắt cá sống, chạy ô-xy giao cho quán ăn, anh Khương dùng dớn, lú để để đặt, thời gian lâu hơn và bắt được nhiều hơn.

Trong ký ức của người Nam Bộ, lúc trước, cá bã trầu được xếp hàng loại cá tạp, không phải là loại cá ngon và thường ít ai bắt để ăn. Cá thường được ăn khi bắt chung với các loại cá con khác, dân gian gọi là “hủn hỉn”. Món ăn, gần như là duy nhất, của người Nam Bộ hồi trước, là hủn hỉn kho khô, ăn với canh hoặc nước cơm chắt. Cuộc sống hiện đại, cá bã trầu “lên ngôi” trở thành đặc sản, có mặt trong thực đơn ở các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Cá bã trầu được làm nhiều món như lẩu mắm hủn hỉn, khô cá bã trầu, mắm cá bã trầu, cá bã trầu chiên giòn, hay “kinh điển” nhất là vẫn cá bã trầu kho khô tiêu ăn với rau tập tàng luộc. Chính vì sự ưa chuộng của thực khách mà giá trị của cá bã trầu ngày càng cao. Như lời anh Khương, lúc chưa có dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, quán ăn ở TP Cần Thơ, tỉnh An Giang đặt liên tục, với giá bán lên đến 500.000 đồng/kg, mà không đủ cá để giao.

Sự năng động của anh Nguyễn Hồng Khương không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn giúp bảo tồn loài cá dân dã, đang mất dần tại vùng ĐBSCL. Loài cá “nhà nghèo” nay đã “đổi đời” từ sự sáng tạo trong mô hình kinh tế nông nghiệp của thanh niên Cần Thơ.

Tác giả bài viết: DUY KHÔI
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết