Bệnh cước chân ở trâu bò: Để trâu bò không bị cước chân; Điều trị bệnh cước chân ở trâu, bò

Bệnh cước chân ở trâu bò: Để trâu bò không bị cước chân; Điều trị bệnh cước chân ở trâu, bò
Điều trị bệnh cước chân ở trâu, bò

Bệnh cước chân là bệnh sưng thũng chân do co thắt mao mạch ngoại vi ở chân trâu, bò, thường phát sinh vào các tháng mùa đông và đầu mùa xuân khi thời tiết lạnh ẩm kéo dài ở các tỉnh phía Bắc nước ta.

Bệnh không gây chết nhưng làm cho trâu bò không đi lại được, ảnh hưởng đến lao tác (cày bừa, kéo xe, kéo gỗ). Bệnh này có thể tiến triển thành hoại thư chân và buộc phải xử lý.

1. Nguyên nhân

Bệnh gây ra do thời tiết lạnh ẩm kéo dài, làm cho mạng mao mạch ngoại vi ở chân các loài súc vật móng guốc chẵn co lại, gây tắc nghẽn mạch máu. Khi mạch máu tắc nghẽn kéo dài trong điều kiện nhiệt độ dưới 100C thì huyết tương từ mao mạch xuất tiết ra ngoài, tạo ra các đám sưng thũng ở dưới da chân súc vật, ngày càng căng to khiến cho con vật đau đớn, đi lại khó khăn hoặc không đi lại được, nằm một chỗ. Khi trời mưa, chuồng trại ẩm ướt, trâu bò phải đứng trong nền chuồng lạnh và lầy lội thì bệnh cước chân sẽ tăng lên nhanh, có thể tới 25 - 30% đàn bò.

2. Triệu chứng lâm sàng

- Đầu tiên, súc vật rét run, chân bị lạnh cứng, đi lại chậm chạp, khập khiễng. Sau đó, bốn chân sưng thũng, căng lên do huyết tương tích tụ, ấn ngón tay vào khi bỏ ra có vết lõm. Súc vật bệnh đau đớn, khi đã nằm xuống, đứng dậy rất khó khăn, dần dần không đi lại được, nhưng vẫn ăn uống bình thường.

- Súc vật bệnh, không được điều trị kịp thời thì sau 4 ngày, chân của chúng sẽ bị hoại tử, nhiễm trùng, da bị đỏ rồi thâm tím, sờ vào chỗ chân sưng thũng thấy móng. Bệnh tiến triển nặng, chỗ chân cước và hoại tử sẽ nứt ra, chảy nước vàng. Súc vật bệnh nằm bất động, không thể đứng dậy được và thường phải loại bỏ sau 5 - 6 ngày hành bệnh.

Bệnh nặng, chỗ chân cước và hoại tử sẽ nứt ra, chảy nước vàng

 

3. Điều kiện phát sinh bệnh

- Thời tiết lạnh ẩm kéo dài với nhiệt độ dưới 100C.

- Súc vật nuôi trong nền chuồng bẩn, ẩm ướt và phải lao tác trong điều kiện thời tiết lạnh ẩm.

4. Chẩn đoán

- Quan sát và khám lâm sàng, thấy chân súc vật bị sưng thũng, đau đớn không đi lại được trong điều kiện thời tiết lạnh ẩm.

- Bệnh chỉ xảy ra ở chân.

5. Điều trị

* Bệnh ở giai đoạn sưng thũng chân:

Phác đồ 1:

- Thuốc điều trị: Tiêm cafein phối hợp với vitamin B1 để tăng cường tuần hoàn mao mạch ngoại vi. Liệu trình: 3 - 4 ngày.

- Lau khô sạch chân bò, dùng chai đổ nước nóng khoảng 600C (nóng tay) bọc rẻ sạch chai nước rồi chờm vào các chân bị phát cước của súc vật. Thực hiện 3 ngày liền; mỗi ngày thực hiện 2 lần.
 

- Quét dọn, giữ nền chuồng khô sạch; che kín ấm chuồng trại; nuôi dưỡng tốt súc vật bệnh; Kéo cho súc vật đứng dậy 2 lần/ngày, vì súc vật nằm bệnh trong 3 ngày liền thường rất khó đứng dậy và rất khó chữa.

* Bệnh ở giai đoạn viêm hoại tử chân:

Phác đồ 2:

- Thuốc điều trị: Dùng Ampicillin với liều 30 mg/kg thể trọng phối hợp với Kanamycin với liều 20 mg/kg thể trọng. Thuốc có thể pha hỗn hợp, tiêm bắp cho súc vật bệnh 2 lần/ngày; tiêm liên tục 3 - 4 ngày.

- Thuốc trợ sức và chữa triệu chứng: Tiêm cafein phối hợp với vitamin B1. Liệu trình: 3 - 4 ngày.

- Rửa sạch chỗ châu bị viêm hoại tử bằng dung dịch thuốc tím (Permanganat Kali 1%); lau khô chân bằng gạc sạch; rắc bột Sulfonamid vào những vết viêm loét, hoại tử. Nếu không có bột Sulfonamid có thể dùng Sulfamerazin tán nhỏ. Sau đó, dùng băng gạc sạch băng lại. Thực hiện mỗi ngày 1 lần, trong 3 ngày liền.

- Hộ lý: Quét dọn, giữ nền chuồng luôn khô sạch: che chuồng kín ấm; nuôi dưỡng súc vật bệnh; nâng súc vật đứng dậy (bằng võng đưa vào bụng) 2 lần/ngày.

6. Phòng bệnh

- Khi thời tiết lạnh ẩm kéo dài, nhiệt độ ngoài trời dưới 100C thì không cho bò lao tác ngoài trời, cũng không chăn thả ngoài bãi mà nên để bò trong chuồng để nuôi dưỡng, chăm sóc.

- Che kín ấm chuồng cho bò, tránh gió lùa, đặc biệt phải giữ nền chuồng khô sạch.

- Khi bò lao tác hoặc đi chăn về trong những ngày lạnh ẩm cần lau khô chân cho bò và chườm nước nóng.
 

- Nuôi dưỡng, chăm sóc tốt đàn bò để nâng cao thể trọng và sức đề kháng với bệnh.

- Những ngày thời tiết xuống dưới 100C thì pha nước ấm với muối (9‰) cho bò uống.

Theo Bản tin KNVN số 10/2018 - Khuyến Nông VN, 5/02/2019

 

Để trâu bò không bị cước chân

Thời tiết mùa đông lạnh, chuồng nuôi ẩm ướt, trâu bò phải làm việc ngâm chân lâu trong nước lạnh. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng kém làm cơ thể bị suy nhược dẫn đến khả năng đề kháng của cơ thể kém bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân phát bệnh cước chân. Trâu, bò bị cước chân đi lại khó khăn, tăng trọng chậm, làm giảm hiệu quả chăn nuôi.

Nhận biết bệnh cước chân: Đầu tiên da vùng chân con vật dày cộm lên, vùng sưng có hiện tượng xung huyết, da bị nứt nẻ. Sau đó lớp biểu bì bị bong ra có chảy dịch mầu vàng, lộ ra một lớp tổ chức mầu đỏ thẫm, nếu vết thương sâu làm con vật què nằm tại chỗ, da và tổ chức dưới da bị hoại tử từng đám có chỗ tím bầm, có chỗ phồng rộp lên. Cuối cùng các tổ chức hoại tử ăn sâu xuống thành hoại thư làm lộ ra cả những sợi cơ và xương. Bệnh nặng, gây biến chứng có thể làm tắc mạch máu gây xung huyết ở phổi và bầm huyết ở não.

Phòng bệnh: Thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y như, chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ. Về mùa đông nên dùng chất độn chuồng, nhưng không để chuồng ẩm ướt, nhất là những ngày thời tiết quá lạnh, mưa xuân kéo dài. Cho ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng.

Trị bệnh: Nếu bệnh mới xuất hiện chúng ta có thể dùng gừng giã nhỏ hoà rượu xoa bóp hàng ngày.

Nếu chỗ cước đã nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím 1% sau đó rắc bột Tetracylin hoặc Sunfamid.

Bệnh nặng, cần cắt bỏ những tổ chức hoại tử sau đó mới điều trị. Tiêm bắp một trong các loại kháng sinh sau Pen-Strep 5.000 - 10.000 UI/kg thể trọng/ngày; Ampicillin 7 - 10 mg/kg TT/ngày; Colinorxacin 1ml/15 kg TT/ngày; Amtyo 7 - 8 ml/100 kg TT/ngày. Trợ sức, trợ lực: tiêm bắp Cafein 20 - 25 mg/kg P, Vitamin B1: 2 - 3 mg/kg P, Vitamin C: 3 - 5 mg/kg P. Điều trị liên tục 5 - 7 ngày cho khỏi bệnh.

NGUYỄN VĂN DUY - Nông nghiệp Việt Nam, 13/01/2010

Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN DUY

Nguồn tin: Việt Linh