Cho gà ăn cần sa thay thế thuốc kháng sinh

Cho gà ăn cần sa thay thế thuốc kháng sinh
Một cộng đồng nông dân ở Lampang (Thái Lan) đã cho gà ăn cần sa và tuyên bố rằng, chế độ cho ăn mới này đã cải thiện chất lượng thịt và trứng gà.
 
Thị gà và trứng gà được cho ăn cần sa bán với giá cao hơn thông thường. Ảnh: The Nation

Thị gà và trứng gà được cho ăn cần sa bán với giá cao hơn thông thường. Ảnh: The Nation
 

Bà Sirin Chaemthet, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Peth Lanna cho biết, việc thử nghiệm cho gà ăn cần sa đã được tiến hành với sự hợp tác của Khoa Nông nghiệp, Đại học Chiang Mai.

Theo bà Sirin Chaemthet, những người nông dân nuôi gà đã cho gà con ăn cần sa sau khi lứa bố mẹ của chúng bị phát hiện mắc chứng bệnh viêm cuống phổi, vốn khá phổ biến ở gia cầm, mặc dù đã được tiêm kháng sinh.

Kết quả theo dõi cho thấy, sau khi gà con được ăn cần sa chúng đã phát triển khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật cao hơn và có thể chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Cuối cùng, hiệp hội chăn nuôi gia cầm địa phương đã quyết định loại bỏ thuốc kháng sinh và chỉ cho gà của họ ăn cần sa.

Bà Sirin Chaemthet nói thêm rằng, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Lampang đã bán thịt và trứng gà với giá lần lượt là 100 bạt/ kg (2,88 USD) và 6 bạt/ quả trứng (0,17 USD) thông qua trang web của mình.

Bà Sirin Chaemthet cho biết thêm, cần sa đã được trộn vào thức ăn cho gà đã nhận được phản hồi tốt, đồng thời khẳng định hiệp hội đang xây dựng kế hoạch bán gà quay trong tương lai. Vị này cũng chia sẻ thêm rằng, những sản phẩm này dự kiến sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng muốn các loại thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ và lành mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Nông dân Quốc gia, ông Prapat Panyachatrak cảnh báo rằng chất kháng sinh trong thịt và trứng gà gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng như suy giảm khả năng miễn dịch và gây dị ứng. Ông Prapat cho biết thêm, ngoài việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, việc cho gà ăn cần sa còn giúp nâng cao giá trị thương mại của các sản phẩm từ gà.

Một trang trại gà thuộc Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Lampang. Ảnh: The Nation
Một trang trại gà thuộc Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Lampang. Ảnh: The Nation
 

Cũng trong diễn biến khác liên quan tại Thái Lan, mối lo ngại về việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí đã được nâng lên sau khi loại cây này được chính phủ cho phép người dân trồng tại nhà để phục vụ mục đích y học. Hiện nhiều chuyên gia y tế đã viện dẫn các vấn đề xung quanh việc thiếu các hành lang pháp lý, hướng dẫn quy định phù hợp nhằm tránh bị lạm dụng.

Ông Chanchai Sittipunt, trưởng khoa Y của Đại học Chulalongkorn cho biết, rất lo ngại về việc thanh thiếu niên sẽ dễ dàng tiếp cận với cần sa vì hiện tại không có luật nào cấm sử dụng chất gây nghiện này.

 “Sẽ hơi muộn để chờ (Đạo luật Cần sa và cây gai dầu) được thông qua. Bởi vì ngay từ bây giờ, bất cứ ai cũng có thể mua và bán cần sa ở bất cứ đâu", theo ông Chanchai.

Nguyên do là mặc dù mục đích của việc chấp thuận hợp pháp hóa cần sa là hướng tới mục đích sử dụng trong y tế và kinh tế, tuy nhiên người dân vẫn có thể trộn cần sa vào thực phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm để bán cho những người tiêu dùng không biết rõ nguồn gốc.

Tiến sĩ Taejing Siripanich, tổng thư ký của tổ chức Lái xe an toàn nói rằng, ông lo ngại về những vụ tai nạn đường bộ do người lái xe gây ra dưới ảnh hưởng của cần sa.

"Chúng tôi đã vận động chiến dịch không lái xe trong tình trạng say xỉn (bia rượu) trong suốt hơn 30 năm qua, nhưng tai nạn hàng ngày vẫn xảy ra và bây giờ tới lượt cần sa được cấp phép, chúng tôi không có luật nào để kiểm soát nó", ông này cho biết thêm.

Đồng quan điểm, bà Rasmon Kalayasiri, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất gây nghiện tại Khoa Y, Đại học Chulalongkorn lo lắng, bà chưa nhìn thấy bất kỳ biện pháp nào giúp ngăn chặn việc lạm dụng cần sa. Bởi một khi có quá nhiều tetrahydrocannabinol (THC), thành phần hoạt chất trong cần sa, được trộn trong thực phẩm thông thường có thể khiến người tiêu dùng mất tỉnh táo.

"Điều tôi lo ngại nhất là việc sử dụng cần sa ở thanh thiếu niên vì nó là chất độc hại và có thể làm tổn thương tế bào não", bà Rasmon cảnh báo.

Một nghiên cứu cho thấy có khoảng 1% thanh thiếu niên Thái Lan sử dụng cần sa vào năm 2019 nhưng con số này đã tăng lên 2% vào năm 2020 và 2,5% vào năm ngoái.

Người phát ngôn chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, hiện Thủ tướng đã nắm bắt được những quan ngại cùng với các đề xuất của nhiều ngành về vấn đề này và yêu cầu Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul sẽ chủ trì một hội đồng thảo luận về chính sách cần sa quốc gia để đảm bảo việc sử dụng nó phù hợp với kế hoạch mục đích y tế của chính phủ.


Tác giả bài viết: Hà Dương

Nguồn tin: nongnghiep.vn