Hành trình gian nan chạy khỏi Ukraine và nước mắt ngày đoàn tụ tại sân bay Nội Bài

Hành trình gian nan chạy khỏi Ukraine và nước mắt ngày đoàn tụ tại sân bay Nội Bài

Hạnh phúc, xúc động, cùng những cái ôm thật chặt khi gặp lại người thân, xen lẫn những âu lo sau hành trình dài gian nan là cảm xúc của những người từ Ukraine khi được đặt chân lên đất mẹ Việt Nam thân yêu.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau chuyến bay đưa 287 công dân Việt Nam từ Ukraine sơ tán sang Rumani, sau đó bay từ Rumania về nước an toàn vào ngày 8/3 vừa qua, sáng sớm nay các Bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam tại Ba Lan phối hợp với hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam và gia đình từ Ukraine sơ tán sang Warsaw, Ba Lan về đã về tới Việt Nam an toàn vào sáng sớm nay.

Những giọt nước mắt hạnh phúc khi trở về nước an toàn.

Hoảng loạn chạy cả đêm để đến biên giới

Chuyến bay số hiệu QH9066 của Hãng hàng không Bamboo Airways đưa 300 công dân từ Warsaw, Ba Lan đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài vào lúc 6h15 phút sáng nay. Trong 300 người về nước trong chuyến bay thứ 2 này có 48 người cao tuổi, 18 trẻ em dưới 2 tuổi và 21 người có bệnh nền, phụ nữ có thai. Sau 1 chặng bay dài, dù rất mệt mỏi nhưng bà con đều có tâm trạng phấn chấn khi được trở về quê hương và không giấu nổi niềm xúc động.

Khi bước chân xuống sân bay mỗi người dân đã không quên gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan đại diện Việt Nam, cùng kiều bào ta ở nước ngoài đã quan tâm giúp đỡ, đón bà con về nước lánh nạn.

Niềm vui khôn xiết của những người đón được người thân trở về.

Là một trong những người đầu tiên xuống sân bay Nội Bài, ông Nguyễn Thế Châu 65 tuổi ở quận Bà Đình, Hà Nội cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở Ukraine hơn 30 năm. Khi chiến sự xảy ra ông và gia đình sơ tán khỏi thành phố Kharkov và sau 28 tiếng mới đến được biên giới Ukraine và sang Ba Lan. Sau khi được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Ba Lan và cán bộ Đại sứ quán tại đây, ông đã may mắn được về nước trong chuyến bay thứ 2 này.

“Chúng tôi khởi hàng từ thành phố Kharkov hôm 2/3 sau đó xếp hàng từ 8h tối dưới trời mưa tuyết âm 9 độ C đến 3 giờ sáng mới tới được biên giới Ba Lan. Được sự giúp đỡ của bà con Việt kiều tại Ba Lan tổ chức xe đưa đón lên Warsaw và chúng tôi được đăng ký về Việt Nam sau hành trình 10 ngày di tản khỏi Ukraine. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Chính phủ, bà con Việt kiều tại Ba Lan đã giúp đoàn chúng tôi về nước an toàn hôm nay”, ông Châu nói.

Cũng như ông Châu, ông Đỗ Duy Tiến ở Hải Dương đã ở Ukraine hơn 30 năm nay cho biết, mọi người đều rất biết ơn cộng đồng người Việt ở Ukraine, Ba Lan và các cán bộ ngoại giao đã hỗ trợ, giúp đỡ họ được về nước trong chuyến bay thứ 2 này. Sau khi chiến sự xảy ra, do tình hình quá cấp bách nên ông, bà và nhiều người được sơ tán, về nước mà không kịp chuẩn bị nhiều, mọi tài sản tích cóp được sau nhiều năm làm việc tại Ukraine đều mất hết.

Hành khách về nước trên chuyến bay lần này phần lớn là các đối tượng yếu thế như: phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền… Trong đó, gần một nửa số hành khách trên chuyến bay là trẻ em.

Tất cả đều mong chiến tranh sớm kết thúc để có thể quay trở lại xây dựng cuộc sống mới: “Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã quan tâm đến kiều bào lúc hoạn nạn, đã đưa máy báy sang đón kiều bào về nước, tôi không biết nói gì hơn, thay mặt tất cả những người trên chuyến bay này cảm ơn Đảng, Chính phủ.

Chúng tôi cũng rất cảm ơn kiều bào ở Ba Lan và Đại sứ quán tại Ba Lan đã tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở cho chúng tôi. Trước mắt chúng tôi về với gia đình sau đó nếu bình yên chúng tôi sẽ quay trở lại. Hơn 35 năm sinh sống ở đó, nhà cửa, tài sản cũng ở đó, giờ về còn mỗi mấy bộ quần áo, tất cả vẫn nằm bên đó, tôi mong sớm được quay lại”, ông Tiến ngậm ngùi.

Còn bà Nguyễn Thu Hiền ở thành phố Hải Phòng cho hay, bà ở Kharkov về đây, nơi tên bay đạn lac, hôm nay được về, đứng trên mảnh đất quê hương mới thấm thía tình cảm quê nhà.

Người dân vui mừng khi được trở về an toàn từ vùng chiến sự căng thẳng Ukraine trên chuyến bay QH9066.

“Khi được về đến đây tôi rất xúc động, ở bên đó cũng hơn 30 năm. Khi chứng kiến bom rơi đạn lạc chúng tôi phải mất 3 ngày 2 đêm mới đến được Ba Lan. Tôi mong muốn chiến tranh kết thúc để được quay trở lại nơi đã sinh sống như trước”, bà Hiền nói.

Hành trình không muốn lặp lại

Đến sân bay Nội Bài từ 5 giờ kém 20 phút, ông Bùi Trọng Ánh (Hải Dương) lên đón con và cháu trở về trên chuyến bay bảo hộ công dân. Ông Ánh cho biết khi hay tin người thân sẽ được Nhà nước hỗ trợ để hồi hương, gia đình rất vui mừng song cũng lo lắng vì có cháu nhỏ đi cùng bố mẹ về trên quãng đường di chuyển dài, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Hành trình hoảng loạn chạy khỏi Ukraine và nước mắt đoàn tụ ở sân bay Nội Bài

Ông Ánh chia sẻ, khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, gia đình ông đã liên tục liên lạc với các con đang sinh sống, làm ăn ở nước sở tại. “Tôi bảo cháu, bây giờ chiến sự như vậy thì nên thu xếp về”, ông Ánh nói. Và khi hay tin con và cháu đã sang được Ba Lan, gia đình rất phấn khởi và càng vui mừng hơn khi sau đấy nhận được thông báo con, cháu sẽ trở về trên chuyến bay bảo hộ công dân.

Trở về đất nước sau chuyến bay dài, bà Trần Thị Lũy (65 tuổi) và chồng (70 tuổi) quê Hải Phòng không giấu nổi sự mệt mỏi. Chia sẻ với phóng viên, bà Lũy cho biết bà sang Ukraine từ năm 1989, kinh doanh tại thành phố Kharkov. Sinh sống và làm việc tại Ukraine trong hơn 30 năm, hai vợ chồng ông bà Lũy không nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt thế này.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân (75 tuổi) được nhân viên Bamboo Airways hỗ trợ tại sân bay Nội Bài.

Bà Lũy cho biết, quá trình từ Ukraine sang Ba Lan, bà nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt cũng như các cơ quan đại diện tại đây, từ chỗ ở đến đồ ăn thức uống. “Khi biết tin được về Việt Nam đợt này tôi rất phấn khởi. Về Việt Nam, chúng tôi bỏ lại hết nhà cửa, hàng hóa, gần như trắng tay. Tiền bạc hàng hóa để ở chợ không dám quay lại lấy. Từ Kharkov đến biên giới Ba Lan, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, mất hơn 1 ngày để xếp hàng tại cửa khẩu sang Ba Lan, tuyết vẫn rơi, đôi chân chuột rút vô cùng mệt mỏi, chúng tôi không muốn lặp lại hành trình này nữa”, bà Lũy chia sẻ.

Bà cho biết vợ chồng bà mất 2 ngày 2 đêm để qua được Ba Lan dưới trời mưa tuyết vô cùng vất vả. Bà Lũy cho biết 2 vợ chồng bà đã già, không muốn phải bôn ba nơi xứ người, tuy nhiên các con của bà vẫn phải tìm hướng làm ăn vì về nhà là trắng tay không mang được tài sản gì về. Bà Lũy cho biết thêm, bà con người Việt ở Ukraine vẫn còn rất đông. Đây là chuyến bay nhân đạo nên ưu tiên người già và trẻ em. “Công tác tổ chức rất tốt, các cơ quan đều rất chu đáo, chúng tôi rất vui mừng và hài lòng”, bà Lũy nói.

Ba Lan là nơi tiếp nhận đông người Việt nhất chạy nạn từ vùng chiến sự Ukraine, với số lượng hiện tại gần 2.500 người và vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày. Ảnh: Các nhân viên, tiếp viên hỗ trợ hành khách là người cao tuổi.

Trở về theo 2 tiếng gọi thân thương: “Đồng bào”

Chịu trách nhiệm chính trên chuyến bay, cơ trưởng Trần Gia Hùng là phi công giàu kinh nghiệm với hơn 21 năm trong nghề và hơn 17.000 giờ bay tích lũy, trong đó có hơn 15.000 giờ bay trên máy bay thân rộng Boeing.

Nói về chuyến bay đặc biệt này, anh cho biết: “Ngay từ khi nhận thông tin về kế hoạch triển khai các chuyến bay sơ tán công dân Việt Nam tại Ukraine, nhiều thành viên trong đoàn bay Bamboo Airways, từ phi công đến tiếp viên đã tình nguyện xung phong thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng đây không chỉ là nhiệm vụ cao cả được Chính phủ giao phó mà còn là niềm mong mỏi lớn của đông đảo đồng bào Việt Nam và gia đình. Bởi vậy, mang theo cảm giác tự hào và trọng trách, toàn bộ tổ bay chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường đón đồng bào trở về quê hương”.

Chịu trách nhiệm chính trên chuyến bay, cơ trưởng Trần Gia Hùng là phi công giàu kinh nghiệm với hơn 21 năm trong nghề và hơn 17.000 giờ bay tích lũy, trong đó có hơn 15.000 giờ bay trên máy bay thân rộng Boeing.

Đây không phải lần đầu tiên cơ trưởng Trần Gia Hùng thực hiện chuyến bay sơ tán công dân từ nước ngoài về Việt Nam. Trước đó, anh đã từng thực hiện hành trình bay sơ tán người Việt từ Libya, đồng thời cũng là người cầm lái các chuyến bay nhân đạo đưa công dân từ Anh, Litva... về nước trong thời điểm dịch bệnh.

Anh chia sẻ thêm, với tổ bay, sân bay Warsaw là điểm đến mới, bởi vậy các thành viên đã nghiên cứu kỹ lưỡng về sân bay, phương thức tiếp cận, tìm hiểu thông tin các quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ bay qua, thông tin về các sân bay dự bị.... nhằm đảm bảo cho hành trình bay an toàn và thuận lợi nhất.

Chia sẻ về hành trình đưa bà con kiều bào về nước, ông Trương Phương Thành, Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airway cho biết trên cơ sở Nhà nước cũng như lãnh đạo của hãng giao, ông và bộ phận chức năng của Bamboo Airway đã kịp thời, nhanh chóng thực hiện công tác chuẩn bị.

“Đây là chuyến bay rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị rất kỹ càng của Bamboo Airway, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thành nhấn mạnh.

Trực tiếp tham gia chỉ đạo trên chuyến bay, ông Trương Phương Thành, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết: “Bamboo Airways đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kĩ lưỡng phương án để khai thác chuyến bay an toàn, thuận lợi.

Nói về những khó khăn trong tổ chức chuyến bay, ông Thành cho biết, khó khăn đầu tiên là kiều bào rất đông, giấy tờ hầu như không đủ; khó khăn nữa là sân bay ở Ba Lan không phải là một sân bay lớn, hãng phải kiểm tra và chuẩn bị rất kỹ các phương án bay, đồng thời xin cấp phép bay qua 18 nước.

Chia sẻ thêm về bà con kiều bào, ông Thanh cho biết ban đầu hãng dự kiến sẽ có rất nhiều hành lý về, “chúng tôi đem tới 16 thùng hành lý nhưng đến lúc về thực sự chỉ có 5 thùng hành lý với 300 khách. Lượng hành lý rất ít, hầu như bà con mỗi người chỉ có 1,2 kiện vì hầu như tài sản của bà con đều để lại hết và cũng thất lạc”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, bà con rất xúc động khi Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và hãng hàng không tổ chức chuyến bay này và đây là một chuyến bay rất thành công, đầy cảm xúc.

“Hình ảnh của kiều bào khiến phi hành đoàn rất xúc động, có bạn tiếp viên đã rơi nước mắt. Trong số hành khách có nhiều em nhỏ chưa đến 2 tuổi. Kiều bào tại Ba Lan cũng hết sức giúp đỡ đồng bào sang lánh nạn bằng cách vận chuyển, hỗ trợ không tính phí. Chúng ta thấy một cộng đồng người Việt rất đùm bọc lẫn nhau”, ông Thành chia sẻ.

Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh đi trên các chuyến bay sơ tán người Việt và thành viên gia đình tại Ukraine, Sở Y tế Hà Nội nhất trí việc không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 và có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19 trước khi lên các phương tiện vận chuyển về Việt Nam nhập cảnh tại Hà Nội.

Tuy nhiên, người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong suốt quá trình di chuyển và các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Cục Lãnh sự thông báo cho các công dân Việt Nam và thân nhân sơ tán về nước từ Ukraine chủ động liên hệ với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện theo dõi và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Được biết, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ thực hiện chuyến bay thứ 3 đưa người Việt tại Ukraine về nước. Chuyến bay dự kiến sẽ khởi hành lúc 9h30 tại Nội Bài và hạ cánh lúc 16h35 cùng ngày (giờ địa phương tại nơi đến).

Dự kiến máy bay sẽ lưu lại sân bay Bucharest khoảng hơn 3h để tiếp nhiên liệu, kiểm tra kỹ thuật và đón khách trước khi cất cánh về Việt Nam lúc 19h55 ngày 10/3 giờ địa phương. Chuyến bay sẽ có hơn 280 người Việt và gia đình tại Ukraine trở về quê hương, dự kiến hạ cánh tại Nội Bài lúc 11h30 ngày 11/3./.

Tác giả bài viết: Phi Long

Nguồn tin: VOV.VN