Tản mạn về 'Thần Long'

Tản mạn về 'Thần Long'

Thần long

Long ngư - Cá rồng, đã từng được nuôi và ưa chuộng trên thế giới, nhất là trong người Trung Quốc. Ở nước ta cá rồng không chỉ thu hút người Hoa, mà cả người Việt, tuy rằng hiện nay giá cá còn cao hơn nhiều so với những loại cá khác.

Người ta chuộng cá rồng vì những lý do sau:

1. Cá rồng là loại cá hiếm trên thế giới

Các nhà ngư loại học xếp cá rồng vào họ gần cạnh họ Thát lát, là những họ có vị trí thấp trong hệ thống sinh của Cá xương trên thế giới.

Hiện nay, người ta biết ở Đông Nam Á có loài cá rồng với các chủng khác nhau tùy nơi cư trú hồng long, kim long và thanh long; ở Nam Mỹ, trong lưu vực sông Amazon có hai loài là ngân đới, mà ta cũng gọi là ngân long và hắc đái mà ta cũng gọi là hắc long. Ở châu Úc có vài loài khác thường gọi là Úc châu long tức cá rồng châu Úc.

Ta thường nuôi các loài chính của Đông Nam Á và của Nam Mỹ. Các loài cá rồng của Nam Mỹ và của châu Úc có số lượng nhiều, không sợ bị tuyệt chủng. Riêng loài cá rồng châu Á chỉ phân bố rất có giới hạn. Loài này trước đây cũng có gặp ở nước ta. Ở Đồng Nai và Tây Ninh, thỉnh thoảng đánh bắt được, nhưng hiện nay hầu như không gặp nữa. Mức độ đe dọa bị tuyệt chủng, do vậy trong Sách đỏ Việt Nam (Phần động vật), xuất bản năm 1992, đã đề nghị nên có biện pháp cấm đánh bắt triệt để loài cá này. Cá rồng cũng đã được liệt kê vào danh sách các loài động vật được bảo vệ dưới nước theo Công ước quốc tế Bảo vệ động vật năm 1989 ở Washington. Nhiều nước như Inđônêxia, Malaixia đều quy định bảo vệ loài cá này. Người ta đã thí nghiệm tạo giống nhân tạo nhưng không thành công. Một số cá nuôi hiện nay đều xuất xứ từ nước ngoài. Do hiếm nên cá rồng trở thành quý và bán với giá cao hơn những loại cá cao cấp khá.

2. Cá rồng có sức quyến rũ đặc biệt

Trong các loài cá cảnh, cá rồng có vảy lớn đặc biệt, trong đó hồng lông có vảy vàng nhuốm màu đỏ tươi, mang cá có dấu đỏ sáng rực đập vào mắt rất hấp dẫn, tư thế bơi khoan thai cởi mở, thể hiện sự thanh cao hài hòa. Vẩy cá rồng nom tựa như vẩy rồng (long giáp), hai râu của cá rồng hệt như râu rồng (long giác), dáng bơi tựa rồng, nên người Trung Quốc đều trân trọng cá này, xem long ngư như là hóa thân của thần long, giáp long. Nuôi long ngư có thể trấn an gia trạch, trừ tà ma. Người ta xem long ngư như là cá phong thủy địa lý.

Ở Việt Nam, con rồng từ xưa là biểu tượng của vua hay của cái gì đẹp sang, cao quý. Chúng ta cũng thường tự hào là dòng giống Rồng Tiên. Do đó cái gì liên quan đến rồng lá quý, là đáng trân trọng. Ta có thành Thăng Long, có vịnh Ha Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, sông Cửu Long, núi Hàm Rồng ... có dáng dấp của rồng, đều bắt nguồn từ phong tục và ý niệm lâu đời của người Việt về con rồng.

3. Nuôi cá rồng có nhiều điều lợi

Người ta nuôi cá rồng mong át được vận xui, đem lại vận may, mang lại lợi lộc, tiền tài ... Nhiều người vùng Đông Nam Á đều có niềm tin là như thế. Mặt khác, muốn nuôi cá rồng phải có tiền để mua cá và muốn cho cá được đẹp thì phải chăm sóc tận tụy, tốn kèm thì giờ. Nhưng cá rồng dễ nuôi. Chỉ cần chú ý tới chất nước, nhiêt độ, phươngpháp cho ăn mà không cần sự chăm sóc đặc biệt nào như một số loài cá khác (nào là độ pH, nào là tỷ lệ oxy thích hợp) mà tỷ lệ sống rất cao, tuổi thọ của cá kéo dài, có con đã sống tới 100 năm.

Cá rồng, ngoài hình dáng, màu sắc đẹp lại có tư thế dũng mãnh khi bắt mồi. Thả mồi sống như gián, cá con, tôm tép gặp lúc cá đang đói, cá bơi lượn về phía mồi với một tốc độ rất nhanh, đớp mồi rất nhạy, mà không hề làm mất vẻ đẹp, tạo niềm say mê cho người thưởng ngoạn.

Cá rồng cũng là loài cá nuôi mau lớn và rất dạn người. Nhiều người nuôi cá rồng cũng như nuôi dưỡng một số động vật khác, có thể huấn luyện được từ lúc còn nhỏ cho nó quen với chủ, quen từ màu sắc áo, dáng người, cử chỉ ... Người ta cho rằng cá rồng có thế giới tình cảm của nó. Khi đã nuôi quen, người ta cảm thấy cá và người như bạn, xa cá là nhớ, gần cá là vui.

4. Thưởng thức cái đẹp của cá rồng

Bất kỳ loài cá nào nuôi cũng đều phải có màu sắc đẹp. Màu sắc của cá rồng là yếu tố thu hút sự chú ý của người xem. Màu sắc này có thể thay đổi tùy theo chủng loại cá, ví như hồng vĩ kim long phải có phiến vảy có khung màu vàng kim, màu sắc toàn thân phải đều đặn, màu của vùng lưng nhạt hơn, màu sắc vây đuôi phải đỏ tươi; còn ở quá bối kim long phải có phiến vảy trên lưng vàng đều có màu bóng đẹp như vàng kim, đồng thời phiến vảy ở vùng bụng cũng phải hiện ra màu vàng kim, nửa trên vây đuôi và vây lưng phải có màu xanh lam đậm.

Khung đỏ của vẩy cá phải có màu tươi đẹp, vây đuôi phải căng ra hoàn chỉnh, các lớp vảy phải rõ ràng đều đặn, không gồ ghề, không có chấm đen, râu có màu phù hợp với thân cá, lại phải dài, miệng cá phải khép kín, môi trên hoặc môi dưới không được lồi ra, con mắt cá tròn hướng lên trên, mang cá phải mịn màng sáng mượt.

Dáng bơi của cá là điều ắt phải có về vẻ đẹp. Tư thế bơi chính xác, phải bơi ngang  mặt nước, các vây đều duỗi căng ra, râu hướng thẳng ra trước, bơi vòng thuận xuôi, không được hướng lên hướng xuống hoặc bơi nghiêng lệch.

Nhìn cá bơi khoan thai chậm chạp, đẹp đẽ, phần đuôi uốn lượn nhất là  đuôi cá rồng bạc (ngân đái hay ngân long), khi bắt mồi thì nhanh nhẹn hung hăng, khi gặp kinh sợ thì giật mình quay ngược, màu sắc thì đẹp đẽ thanh nhã... cá rồng đung là đối tượng được ưa chuộng. Nuôi cá rồng đã là niềm vui cho nhiều người và cũng tạo thích thú cho  người thưởng ngoạn.

Cá cảnh - Võ Văn Chi, NXB KHKT, 1993. Bản quyền © Việt Linh