Ảnh hưởng của phèn tới tôm, cá nuôi trong ao, ruộng

Ảnh hưởng của phèn tới tôm, cá nuôi trong ao, ruộng
Đất phèn (đất chua) là loại đất có độ pH thấp, thường từ 5,5 trở xuống, có khi pH chỉ còn 3 hoặc 2. Tác nhân gây ra phèn: Ion nhôm (Al) và ion sắt (Fe).

Có khoảng 1,5 triệu ha đất phèn, chủ yếu ở khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, tây Sông Hậu và ở một số tỉnh duyên hải miền tây Nam bộ của ĐBSCL.

Có thể thấy biểu hiện của phèn khi quan sát màu nước trong ao, ruộng, nhất là tại các góc hoặc quanh bờ:

- Ở những ao, ruộng mặt nước trong xanh, đất quanh bờ có màu xám ít cỏ mọc hoặc chỉ thấy có cỏ năn mọc lác đác từng chòm thì ruộng đó có thể bị phèn nhôm.

- Ở những ao, ruộng mặt nước có váng màu đỏ thì ruộng đó có thể bị phèn sắt.

Nếu tầng sinh phèn sâu (nằm dưới mặt đất 1-2m hoặc sâu hơn) thì lượng phèn trong ao và trên bề mặt ruộng ít.

Nếu tầng sinh phèn nông (cách lớp đất mặt dưới 1m) thì lượng phèn trong ao và trên bề mặt ruộng sẽ nhiều, biện pháp cải tạo sẽ khó khăn hơn.

Ảnh hưởng của phèn tới tôm, cá nuôi trong ao, ruộng:

- Đất phèn làm pH thấp, canxi thấp ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của tôm, cá, làm tôm chậm lớn, màu sắc xấu, mềm vỏ, khó lột xác hoặc lọt không hoàn toàn.

- Nước có pH thấp làm H2S có trong ao nuôi tăng độc tính

- Khi pH thấp, các ion sắt, nhôm kết hợp với phốt pho (lân) tạo hợp chất khó tan, làm hạn chế tảo phát triển (làm nước trong, khó gây màu)

Ao nuôi bị xì phèn mùa mưa:

- Vào mùa mưa, ao nuôi thủy sản có thể bị xì phèn hoặc mưa làm rửa trôi phèn trên bờ ao xuống.

- Nước ao chuyển màu và trong hơn hoặc màu trà nhạt, có váng vàng nhạt nổi trên mặt nước, pH giảm.

- Đối với tôm nuôi: Mang tôm có màu vàng, thân tôm chuyển sang màu vàng, vỏ tôm có thể cứng hơn bình thường, tôm bỏ ăn sau mưa. Nếu ao bị nhiễm phèn nặng tôm có thể tấp mé và chết rải rác

- Đối với cá, khi độ phèn cao, da cá chuyển màu đen, cá gầy đi và chậm lớn, nếu pH xuống quá thấp có hiện tượng cá chết hàng loạt.

Xử lý ao nuôi tôm bị phèn:

- Ngâm ao và xổ xả đáy ao nhiều lần khi cải tạo ao.

- Bón lân, bón vôi đáy ao.

- Thiết kế mương sâu bao quanh ao nuôi.

- Sử dụng các chế phẩm hạn chế phèn, gây màu nước thích hợp.

- Lót bạt đáy và bờ ao

- Đắp gờ ngăn không cho nước mưa chảy trực tiếp xuống ao.

- Sau khi trời mưa, xả bớt nước ở tầng mặt tránh sốc pH cho tôm, cá; Tạt vôi.

Tham khảo giải pháp khắc phục tại: http://www.vinhthinhbiostadt.com/vi/ung-dung-san-pham/anh-huong-cua-dat-phen-den-tom-nuoi-va-cac-giai-phap-khac-phuc-25.html

    Tác giả bài viết: Việt Linh biên soạn