60% loài cá có thể ‘biến mất’ vào năm 2100

60% loài cá có thể ‘biến mất’ vào năm 2100
Các nhà nghiên cứu cho biết, với nền nhiệt độ nước đang ấm dần lên, làm giảm nồng độ oxy trong nước như hiện nay khiến phôi và cá đang mang thai gặp rủi ro.
Một nghiên cứu khác trước đó cho thấy, biến đổi khí hậu đã khiến một số loài cá nhỏ hơn. Đồ họa: Asta Audzijonyte
 



Báo cáo mới của các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 60% giống loài cá được nghiên cứu sẽ không thể tồn tại trong các ngư trường, vùng nước hiện tại vào năm 2100, nếu sự ấm lên của khí hậu Trái đất đạt đến kịch bản xấu nhất là từ 4-5 độ C (7,2-9 độ F) so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.
 
Theo đó, trong một nghiên cứu đối với gần 700 loài cá nước ngọt và nước mặn, các nhà khoa học đã xem xét, theo dõi nhiệt độ nước ấm lên làm giảm nồng độ oxy trong nước như thế nào, mức độ nào thì khiến phôi và cá mang thai gặp nguy hiểm hoặc không thể phát triển…
 
Hans-Otto Pörtner, một nhà khí hậu học, đồng tác giả của bản nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành Science, cho biết: “Mức tăng 1,5 độ C đã là một thách thức đối với con người và nếu chúng ta để tình trạng ấm lên toàn cầu kéo dài, nó có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
 
Hiện thế giới đã nóng hơn 1 độ C so với trước khi công nghiệp hóa, và nó đang trên đà nóng hơn khoảng 3 độ C.
 
Trong kịch bản biến đổi khí hậu tốt nhất mà các tác giả đã xem xét - nơi nền nhiệt độ nóng lên tổng cộng 1,5 độ C – thì chỉ có chừng 10% số giống loài thủy hải sản được khảo sát có nguy cơ gặp rủi ro trong vòng 80 năm tới.
 
Theo kịch bản này, các loài cá được đánh giá là tương đối quan trọng về mặt kinh tế và sinh thái sẽ gặp rủi ro, bao gồm cá tuyết Đại Tây Dương, cá kiếm, cá hồi Thái Bình Dương, cá minh thái Alaska và cá tuyết Thái Bình Dương- những loài thường được sử dụng làm thực phẩm đông lạnh.
 
Ông Flemming Dahlke, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, quá trình đánh giá tác động của việc mất 10% số giống loài thủy hải sản thực sự là một thách thức, rất khó khăn do một số loài đơn lẻ có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ hệ sinh thái.
 
 
“Ví dụ như ở vùng Biển Bắc, nơi chúng ta sẽ thấy vào cuối thế kỷ này nhiệt độ sẽ trở nên quá cao để cá tuyết Đại Tây Dương có thể sinh sản. Một khi loài này bị ‘đẩy ra khỏi hệ thống’, điều này sẽ có tác động lớn đến hệ sinh thái và tất cả các quá trình và tương tác với các loài cá khác vì nó là một kẻ săn mồi quan trọng”, nhà khoa học Dahlke nói.
 
Nghiên cứu cũng đặc biệt coi trọng mức độ dễ bị tổn thương của các giống loài thủy hải sản khác nhau trong giai đoạn đầu đời. Nhất là khi nền nhiệt độ tăng lên, cá sẽ phải sử dụng nhiều năng lượng hơn và cần nhiều oxy hơn.
 


Nghiên cứu cho biết sẽ có khoảng 10% số loài thủy sản được khảo sát có nguy cơ gặp rủi ro trong 80 năm tới khi nhiệt độ tăng 1,5 độ C.
 
Ảnh: Bloomberg
 
 
Tuy nhiên với nền nhiệt độ, lượng oxy có sẵn đang dần ít hơn thì điều kiện này trở nên đặc biệt khó khăn đối với phôi thai - vốn không thể tự điều chỉnh tốt nồng độ oxy của chúng và cá đang mang trứng sắp sinh sản sẽ cần thêm oxy để đẻ ra con non.
 
Đối với một số giống loài thủy sản nước mặn dễ thích nghi hơn, vì chúng có thể di chuyển, tìm đến các khu vực mát mẻ hơn. Nhưng khả năng này đối với cá nước ngọt lại bị hạn chế về mặt địa lý bởi sông hoặc hồ có ngư trường chật hẹp hơn.
 
Ông Dahlke đồng thời lưu ý rằng, báo cáo đánh giá này là thận trọng - bởi nó không tính đến các yếu tố khủng hoảng khí hậu khác có thể ảnh hưởng đến cả hệ sinh vật biển, như axit hóa đại dương có thể khuếch đại tác động lên các quần thể nhạy cảm khác.
 
Trong khi đó chuyên gia Pörtner thì gióng lên cảnh báo: “Hiện một số loài cá nhiệt đới đã sống trong các khu vực ngư trường đã chạm tới ngưỡng chịu đựng cao nhất của chúng, khi có nơ ghi nhận đã xấp xỉ mức 40 độ C. Nhân loại đang đẩy hành tinh ra ngoài phạm vi nhiệt độ thích nghi và chúng ta bắt đầu mất đi môi trường sống thích hợp”.
Nguồn: Kim Long