Triển vọng từ nuôi ốc hương ven biển

Triển vọng từ nuôi ốc hương ven biển
Thành công mô hình nuôi ốc hương mở ra cơ hội mới cho nuôi trồng thủy sản trên vùng cát ven biển khi nuôi tôm chân trắng nhiều rủi ro, bấp bênh.

Ốc hương đạt kích cỡ thương phẩm

Gần hai mươi năm phát triển, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển Ngũ Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khẳng định hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, nuôi tôm chân trắng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp, trong khi hầu hết người dân chủ yếu nuôi tự phát nên hiệu quả đến nay vẫn còn bấp bênh.

Sau khi nghiên cứu, tìm tòi, một số hộ như Nguyễn Tấn Thành, Phan Văn Sĩ ở xã Điền Hương (Phong Điền) mạnh dạn đưa ốc hương vào nuôi trên các ao hồ bỏ hoang từ năm 2020.

Ông Thành khẳng định, nuôi ốc hương hoàn toàn phù hợp với điều kiện tiềm năng, thời tiết trên vùng cát ven biển Ngũ Điền. Thực tế cho thấy, các mô hình thí điểm thật sự mang lại hiệu quả. Trong vòng 6 tháng nuôi trên diện tích 2.000m2, ốc hương đạt trọng lượng 100 con/kg, với giá thị trường mỗi kg ốc hương khoảng 300-350 ngàn đồng, ước lãi 500 triệu đồng.

Ốc hương còn là đối tượng nuôi có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng; có thể nuôi với mật độ cao đạt sản lượng lớn, trong khi đó nguồn thức ăn chủ yếu là tôm, cá tạp giá rẻ sẵn có tại địa phương. Anh Sĩ nhẩm tính, trong khi mỗi ha nuôi tôm chân trắng chi phí từ giống, thức ăn, điện, nước… bình quân trên dưới 3 tỷ đồng, thì ốc hương chi phí chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng. Sản lượng sau chừng 6 tháng nuôi thu hoạch ước mỗi ha khoảng 10 tấn sản phẩm, với giá ốc hương hiện nay sẽ thu 3-3,5 tỷ đồng, lãi ròng 1,5-2 tỷ đồng/ha.

Để có thêm cơ sở giúp người dân mở rộng mô hình nuôi ốc hương, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh tiếp tục đưa ốc hương vào nuôi thí điểm trên một số ao lót bạt theo hướng an toàn sinh học, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) và xã Điền Hương (Phong Điền).

Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi đánh giá, nuôi ốc hương hoàn toàn phù hợp với tiềm năng vùng cát ven biển Ngũ Điền nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Sau 6 tháng thực hiện mô hình, tỷ lệ sống của ốc hương đạt khoảng 62%, trọng lượng trung bình 135 - 140 con/kg, sản lượng 13,3 tấn/ha, vượt chỉ tiêu, kế hoạch của mô hình đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng phức tạp của dịch COVID-19 làm giá ốc hương năm nay khá thấp, mỗi hộ nuôi 1.000m2 lãi bình quân 50 triệu đồng.

Lãnh đạo UBND xã Điền Hương cho rằng, trong điều kiện nuôi tôm chân trắng khá bấp bênh, chi phí đầu tư lớn thì nuôi ốc hương thật sự mở ra triển vọng, có thể đưa vào nuôi tại một số ao hồ bỏ hoang nhằm tận dụng tiềm năng. Đáng chú ý, mô hình nuôi ốc hương trong ao lót bạt theo hướng an toàn sinh học, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm còn phù hợp với xu hướng, cơ chế thị trường trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Mới đây, tại xã Điền Hương, TTKN tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nuôi ốc hương với các hộ dân trên địa bàn xã, hướng đến nhân rộng mô hình trong thời gian đến. Ngoài các ao hồ nuôi tôm chân trắng bỏ hoang, hiện trên địa bàn xã Điền Hương cũng như vùng ven biển Ngũ Điền vẫn còn nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ốc hương. Ốc hương không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là đối tượng dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết vùng biển, ít xảy ra dịch bệnh. Một số loại bệnh thông thường được các hộ nuôi dễ dàng xử lý, ngăn chặn triệt để, không lây lan diện rộng.

Giám đốc TTKN tỉnh Châu Ngọc Phi cho rằng, để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ốc hương tại các vùng nuôi tôm trên cát kém hiệu quả, các địa phương, cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp. Đồng thời, tiếp tục triển khai mô hình trình diễn hiệu quả nhằm tạo niềm tin, tạo điều kiện cho các hộ mạnh dạn nhân rộng mô hình nuôi ốc hương thay thế các ao hồ nuôi tôm chân trắng hiệu quả thấp và các hồ bỏ hoang.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Triều Tuấn

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 29/12/2021