Loài cá rô đồng

Loài cá rô đồng
Anabas
Anabas testudineus
:
Phân loại
Anabas testudineus
Ảnh Cá rô đồng
Đặc điểm

Cá rô có thân thon dài, phía sau dẹp ngang, đầu và phần trước rộng, dẹt dần về phía sau. Miệng có nhiều răng nhỏ và nhọn mọc trên hai hàm và xương lá mía. Đỉnh đầu và mặt bên đều phủ vẩy, rìa nắp mang có răng cưa, thân phủ vẩy lược. Gai vây rất cứng và chắc, gốc vây đuôi có đốm đen tròn. Vây lưng, vây đuôi và vây hậu môn màu xanh đen, các vây khác màu nâu nhạt (Mai Đình Yên và ctv, 1992).  

Cá có kích thước lớn nhất đã gặp có chiều dài tới 20 cm (Phạm Văn Khánh và Lý Thị Thanh Loan, 2004)

Cá có cơ quan hô hấp phụ nằm trên cung mang thứ nhất (gọi là mê lộ), nên chúng có thể sống được trong môi trường thiếu oxy cùng khả năng sống và di chuyển trên cạn khá xa.

Phân bố

Cá rô đồng là loài cá nước ngọt phân bố rộng rãi ở nhiều nước. Vùng phân bố của cá rô đồng phổ biến ở Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài ra cá rô đồng còn thấy phân bố ở Châu Phi (Vương Dĩ Khang, 1963).

Ở Việt Nam, cá rô đồng phân bố khắp các địa phương, ở các loại hình mặt nước như ao, hồ, kênh mương, ruộng lúa, đầm lầy ruộng trũng…Tuy nhiên cá phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng, ít gặp ở miền núi.

Cá có cơ quan hô hấp phụ nên có thể sống ở vùng nước thiếu oxy hòa tan và đặc biệt sống ở những vùng nước nhiễm phèn có pH rất thấp (pH < 4).

Tập tính

Cá rô đồng ăn tạp thiên về động vật, cá có dạ dày và có ruột ngắn, chiều dài của ruột ngắn so với chiều dài của thân cá là 0,76-1,06 và tỷ lệ Li/Ls dao động trong khoảng 1,24 (Nguyễn Đình Diễm Chi, 1997)

Cá rô đồng ăn tạp, thức ăn là động vật không xương sống ở nước hay các loài côn trùng bay trên không, các loài tảo, thóc,…(Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). Khi phân tích thức ăn trong ống tiêu hóa của cá rô đồng ở giai đoạn phát triển cho thấy thành phần thức ăn của cá rất đa dạng và phong phú. Giai đoạn còn nhỏ chủ yếu cá ăn động thực vật phù du và mùn bã, khi trưởng thành chúng vẫn tiếp tục ăn thức ăn trên, đồng thời ăn cả thức ăn có kích thước lớn như nhóm động vật thì có tép, giun, trứng cá, cá con, giáp xác thấp...

Sinh sản

Cá rô đồng có khả năng thành thục ở 1 năm tuổi, khi đó chiều dài cá đạt trên 10 cm. Sự sinh sản của cá rô đồng có thể kéo dài trong suốt mùa mưa. Buồng trứng và tinh hoàn được nhìn thấy rõ rệt vào tháng giêng và phát triển cực đại vào tháng 4 -10 ở nhiệt độ 25-29oC. Cá đẻ vào lúc mưa to và thường đẻ vào ban đêm, làm tổ nơi nước cạn. Trứng cá rô đồng hình bầu dục, có màu vàng hoặc hơi trắng. Đường kính trứng khoảng 0,8 mm, trứng kết thành chùm nổi lơ lửng trên mặt nước (Nguyễn Thành Trung, 1998).

Mùa sinh sản tự nhiên của cá rô đồng từ tháng 4 - 9 âm lịch. Cá đẻ được từ 3 - 4 lần/năm, thời gian tái phát dục của cá là 20-30 ngày, sức sinh sản trung bình khoảng 300.000 trứng/kg cá cái (Nguyễn Thành Trung, 1998).

 Trứng cá rô đồng có lớp hạt mỡ nên nổi trên mặt nước, trứng cá rô đồng có màu vàng hơi nâu, kích thước khoảng 0,4 - 0,8 mm (Nguyễn Thành Trung, 1998).

Trong điều kiện nuôi ở ao hồ, sau 6 – 8 tháng nuôi, đạt chiều dài 10 – 13cm và bắt đầu tham gia sinh sản lần đầu, sức sinh sản đạt 200.000 – 800.000 trứng/kg cá cái. Kích cỡ cá bột là 1,1 – 1,4 mm.

Hiện trạng

Cá rô đồng là loài cá nước ngọt, cá thường sống ở ao, hồ & ruộng lúa hay các kênh mương. Thông thường loài cá này sinh sản ngoài tự nhiên từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, chủ yếu vào những lúc trời mưa to. Chúng có thịt thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao và là một trong những loài cá nước ngọt được người Việt Nam ưa chuộng.

Tuy nhiên hiện nay do vấn đề môi trường ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cùng với việc khai thác một cách không có tổ chức ngoài tự nhiên khiến cho nguồn cá rô đồng ngày càng cạn kiệt, số lượng cá ngày càng ít đi, kích cỡ cá thể ngày càng nhỏ lại. Vì vậy để phát triển nguồn cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao này cần phải có biện pháp duy trì nguồn giống bằng sinh sản nhân tạo và áp dụng kỹ thuật nuôi cá thương phẩm một cách có hiệu quả.


Tác giả bài viết: Kim Hoa

Nguồn tin: TepBac.com