Thức ăn chăn nuôi tăng giá sau kỳ nghỉ Tết

Thức ăn chăn nuôi tăng giá sau kỳ nghỉ Tết
Các doanh nghiệp sản xuất thông báo tăng giá 200 - 300 đồng/kg thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm... vì giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao trong khi 90% nguồn cung nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều công ty sản xuất thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ 200 đến 300 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng giá khoảng thứ 9 - 10, kể từ cuối năm 2020.

Mới đây, Công ty Cổ phần MNS Feed (hệ thống nhà máy Proconco và Anco) cho biết sẽ điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi thương mại khoảng 200-300 đồng/kg kể từ ngày 16/2, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.

Một công ty thức ăn chăn nuôi khác là Công ty TNHH De Heus cũng vừa thông báo điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, bò, dê và thỏ ở mức tương đương trong cùng khoảng thời gian.

Tương tự, từ ngày 18/2, Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng sẽ điều chỉnh giá bán tất cả các dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi với mức tăng 300 đồng/kg.

Lý do nâng giá bán được các công ty đưa ra là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động, tăng cao trong thời gian qua.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh sau Tết - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi có đợt tăng thứ 9-10 kể từ cuối năm 2020. (Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Giai đoạn 2020 - 2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng 16-36% trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về nhóm ngũ cốc.




Cụ thể giá ngô hạt 7.616 đồng/kg, tăng 35%, khô dầu đậu tương 13.091 đồng/kg, tăng 35,5%, cám mì 6.716 đồng/kg, tăng 33%, sắn lát 5.994 đồng/kg, tăng 19%, cám gạo chiết ly 4.936 đồng/kg, tăng 16%…

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết: "Trong bối cảnh giá cả hàng hóa đều tăng phi mã, việc giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là khó khăn chung của doanh nghiệp và người chăn nuôi. Chúng tôi sẽ cân đối làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên".

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ cố gắng chia sẻ với nông dân, không tăng sốc vì nếu giá cám quá cao, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn, tăng đàn thì doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngoài ra có thể mất khách hàng.

Tác giả bài viết: Hoàng Anh