Cần quan tâm ao nuôi tôm khi mưa nhiều

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/01/2022 09:42 - Người đăng bài viết: bomviethuynh
Cần quan tâm ao nuôi tôm khi mưa nhiều

Cần quan tâm ao nuôi tôm khi mưa nhiều

Theo đó, tình hình thời tiết các nơi trong tỉnh phổ biến sẽ có mưa, mưa rào và dông ở diện rải rác đến nhiều nơi, có thể xuất hiện khoảng 2 - 3 đợt mưa diện rộng. Bà con cần đề phòng lốc xoáy, sét và gió giật mạnh trong những cơn mưa dông. Theo đó, trong tháng có khoảng 24 - 27 ngày có mưa, nhiệt độ trung bình 27 - 28 độ C, cao nhất 34 - 35 độ C, thấp nhất 23 - 24 độ C. Gió trên đất liền, gió Tây Nam cấp 2 - 3.

Hộ nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi tôm nước lợ trong những ngày mưa kéo dài và cho tôm ăn lượng vừa phải. Ảnh: THÚY LIỄU

Qua dự báo thời tiết của ngành chuyên môn, trong tháng 8 có nhiều ngày mưa, thời tiết lạnh có thể diễn ra thường xuyên, làm cho các yếu tố môi trường bị biến động, tôm nuôi dễ phát sinh một số dịch bệnh.

Với tình hình thời tiết nêu trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quách Thị Thanh Bình khuyến cáo, hộ nuôi tôm phải giữ ổn định mực nước ao nuôi từ 1 - 1,2m (đối với tôm - lúa từ 0,8m tính từ mặt tráng) và các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn, khoáng chất luôn nằm trong ngưỡng tối ưu cho tôm nuôi. Trước hoặc sau những trận mưa lớn nên đo đạc môi trường và xử lý điều chỉnh môi trường về mức tối ưu cho tôm. Đồng thời, che lưới lan và tăng cường quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ, giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Định kỳ, lấy mẫu nước kiểm tra mật số vi khuẩn Vibrio spp gây hại trong ao tôm với tần suất 2 lần/tuần và khống chế mật số Vibrio spp ở mức dưới 1.000 Cfu/ml.

“Trong thời điểm mưa dầm kéo dài, thời tiết lạnh, nhiệt độ trong nước <27 độ C nên cắt cữ cho tôm ăn hoặc giảm 30 - 50% lượng thức ăn, tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi. Thả giống mật độ vừa phải, thẻ ao đất 30 - 80 con/m2, thẻ ao bạt đáy 90 - 120 con/m2, thẻ ao tròn 180 - 200 con/m2, sú 15 - 20 con/m2. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý nước và đáy ao, đặc biệt là các dòng Bacillus spp, Rhodobacter spp và thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất để tôm hấp thu tốt thức ăn và tăng cường sức đề kháng, ngừa bệnh gan tụy" - đồng chí Quách Thị Thanh Bình thông tin thêm.

Với dự báo thời tiết và hướng dẫn của ngành chuyên môn về việc chăm sóc tôm nuôi khi gặp thời tiết bất lợi, nhất là thời điểm mưa kéo dài, hộ nuôi tôm cần quan tâm đến việc bảo vệ đàn tôm nuôi để có vụ mùa thành công, đem lại nguồn thu nhập tốt.

Tác giả bài viết: THÚY LIỄU
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết