Khó xử lý rác thải nhựa từ ngành thủy sản

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/12/2021 08:14 - Người đăng bài viết: bomviethuynh
Khó xử lý rác thải nhựa từ ngành thủy sản

Khó xử lý rác thải nhựa từ ngành thủy sản

Khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, trong đó có một lượng lớn liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc thu gom, tái chế loại rác thải này còn gặp nhiều khó khăn.

Thách thức nghiêm trọng

Tại diễn đàn quốc gia “Quản lý rác thải nhựa đại dương: Hướng tới phát triển thủy sản bền vững”, được tổ chức vào ngày 23/12, đã đưa ra kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP) năm 2020 nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh (ao bạt) cho thấy, việc sử dụng vật liệu nhựa chiếm khoảng 2.633 - 2.730 kg/ha/năm.

Lượng rác thải nhựa từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đổ ra đại dương rất lớn

Còn ước tính sơ bộ của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) năm 2020, rác thải nhựa trong nuôi tôm là 301.477 tấn/năm, trong đó bạt HDPE khoảng 164.664 tấn.

Các nguồn nhựa trong nuôi trồng thủy sản, mà điển hình là tôm, như: Bạt ao nuôi; chai lọ thuốc hóa chất, vi sinh; lưới che ao; bao bì thức ăn; bao đựng con giống; cánh quạt và hệ thống khí… đều là những loại rác thải khó phân hủy và gây ô nhiêm môi trường.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đầu tháng 8/2021 cũng ước tính, hơn 70% - 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Phần còn lại là nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như ngư cụ bị bỏ lại trên biển, vật dụng nuôi trồng hư hỏng... đặc biệt nguy hiểm với sinh vật biển và là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm nhựa trên đại dương.

Mặc dù thách thức từ rác thải nhựa rất nguy hiểm, song ý thức thu gom của các chủ cơ sở rất hạn chế. TS. Đỗ Đình Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh - thông tin: Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 5.485ha diện tích mặt nước biển tại 8 huyện, thị xã, với trên 2.500 hộ, sử dụng khoảng 10 triệu quả phao xốp làm vật liệu nổi trong nuôi biển với độ nổi và tuổi thọ chỉ đạt từ 2-3 năm. Trong quá trình sử dụng, nếu phao xốp bị hỏng, người dân vứt bỏ trực tiếp xuống biển hoặc quá trình sử dụng gặp bão gió dễ bị hỏng, tuột khỏi bè nuôi, trôi nổi trên mặt biển gây mất an toàn, ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường... Mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh phải chi ra hàng chục tỷ đồng để thu gom rác thải chủ yếu là phao xốp, tre, luồng mục, hỏng trôi dạt trên mặt, bờ biển.

Không chỉ Quảng Ninh, nhiều địa phương vùng biển, có hoạt động đánh bắt thủy hải sản, phần lớn các tàu cá không có thiết bị thu gom rác thải, cũng như việc tàu cá không đưa rác thải vào bờ. Những nơi có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn ở vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư.

Giới chuyên gia khuyến cáo, rác thải đó sẽ lắng lại dưới lòng biển. Những vụn nhựa khi cá ăn vào không chỉ gây nguy hiểm cho cá, mà còn gây mất an toàn thực phẩm cho con người khi ăn những hải sản này.

Cần sự chung tay cả cộng đồng

Trong quá trình sản xuất, ngành thủy sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thủy sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thủy sản cần phải được thu gom và có giải pháp xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng.

Tuy nhiên, chia sẻ tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý rác thải nhựa đại dương còn gặp khó khăn, đặc biệt là chính sách liên quan đến vật liệu nổi chưa được áp dụng vào thực tiễn do phải xây dựng dự án liên kết theo chuỗi, khó triển khai.

Đại diện từ ngành thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương đang có khoảng 4.106 tàu khai thác thủy sản; khoảng 2.000ha nuôi trồng và hơn 100.000 lồng nuôi; với 6.940 hộ tham gia; trong đó có 4.466 hộ nuôi lồng bè trên biển. Khó khăn về quản lý rác thải nhựa là địa phương chưa có quy định thu gom, xử lý rác thải từ các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản; chưa điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần trên các tàu cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cảng cá; còn thiếu nhân lực và kinh phí thu gom rác thải nhựa từ ngành thủy sản…

Tuy nhiên, trong kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2022, ngành thủy sản Phú Yên cũng đưa ra kế hoạch: Tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 5R trong hoạt động sản xuất thủy sản và cộng đồng ngư dân ven biển; khuyến khích chủ tàu cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển không xả thải rác thải nhựa xuống biển và thu gom rác thải nhựa mang về bờ chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý; nhân rộng việc thu gom rác thải nhựa ngoài biển, với sự tự nguyện của cộng đồng ngư dân; sử dụng túi vật liệu dễ phân hủy thay thế túi nhựa cho các tàu cá và tại cảng cá; xây dựng mô hình sử dụng vật liệu mới làm lồng, bè nuôi trồng thủy sản để giảm rác thải nhựa; đặc biệt khuyến khích tàu cá gom rác thải nhựa sử dụng trong chuyến biển và từ đại dương qua đánh bắt mang về bờ để xử lý...

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương liên quan đến ngành thủy sản cần sự vào cuộc của nhiều ngành chứ không thể chỉ dựa vào nguồn kinh phí của các tổ chức phi chính phủ. Các chương trình của chính phủ cần lồng ghép với việc huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ khác. Khi triển khai cần huy động cả khu vực tư nhân, trường đại học, phụ nữ, thanh niên, ngư dân hay chính khách du lịch trong việc thu gom rác thải nhựa đại dương...

Lượng rác thải nhựa mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 - 0,73 triệu tấn, đứng thứ 4 thế giới. Rác thải nhựa gây tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển. Dự tính đến 2050, khoảng 90% loài chim biển sẽ ăn phải nhựa.

 


Tác giả bài viết: Thanh Tâm
Nguồn tin: baomoi.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết