Tổng quan ngành thủy sản Việt Nam

Đăng lúc: Thứ bảy - 13/11/2021 09:04 - Người đăng bài viết: bomviethuynh
Tổng quan ngành thủy sản Việt Nam

Tổng quan ngành thủy sản Việt Nam

I. TỔNG QUAN
  • Diện tích (Land area): 329.560 km2
  • Chiều dài bờ biển (Coast line) : 3.260 km
  • Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ): 1 triệu km2
  • Tổng sản lượng thủy sản (2020): 8,4 triệu tấn

                                Khai thác: 3,85 triệu tấn

                                NTTS: 4,56 triệu tấn

  • Giá trị XK 2020: 8,5 tỷ USD
  • Lực lượng lao động: Hơn 4 triệu người
  • Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia:
  • Chiếm 4-5% GDP;
  • 9-10% tổng kim ngạch XK quốc gia.
  • Đứng thứ 5 về giá trị XK (sau: điện tử, may mặc, dầu thô, giày dép)

II. SẢN LƯỢNG THỦY SẢN

Từ 1995 – 2020: Sản lượng thủy sản VN tăng mạnh,  tăng gấp hơn 6 lần, từ 1,3 triệu tấn năm 1995 lên 8,4 triệu tấn năm 2020,  tăng trưởng trung bình hàng năm 8%. Trong đó, sản lượng NTTS chiếm 54%, khai thác chiếm  46%.

1. Nuôi trồng thủy sản

Từ 1995-2020: Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam tăng gấp 11 lần, tăng trưởng TB hàng năm  10% từ 415 nghìn tấn lên gần 4,6 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở ĐBSCL (chiếm  95%  tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm).

Các loài nuôi chính ở Việt Nam

Năm 2020: diện tích nuôi thủy sản của cả nước là 1,3 triệu ha và 10.000.000 m3 nuôi lồng (7.500.000 m3 lồng nuôi mặn lợ và 2.500.000 m3 nuôi ngọt);

Sản lượng nuôi 4,56 triệu tấn. Trong đó, tôm nuôi 950.000 tấn (tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm chân trắng 632,3 nghìn tấn, tôm khác 50.000 tấn), cá tra 1.560.000 tấn.

Cả nước có 2.362 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (1.750 cơ sở giống tôm sú và 612 cơ sở giống tôm chân trắng). Sản xuất được là 79,3 triệu con tôm giống (tôm sú 15,8 triệu con; tôm chân trắng 64,1 triệu con.

Riêng khu vực ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ, gần 4.000 ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng 2 tỷ cá tra giống.

Diện tích nuôi biển 260 nghìn ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600 nghìn tấn. Trong đó nuôi cá biển 8,7 nghìn ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38 nghìn tấn; nhuyễn thể 54,5 nghìn ha, 375 nghìn tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, 2,1 nghìn tấn; rong biển 10.150 ha, 120 nghìn tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác: cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm…đạt 3.720 tấn, cao hơn 2 lần so với năm 2015 (1.585 tấn).

2. Khai thác

Từ 1995 – 2020: Sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần, tăng trường trung bình năm 6% từ 929 nghìn tấn lên 3,85 triệu tấn.

Dữ liệu cơ bản nghề cá:

Năm 2020: Toàn quốc có 94.572 tàu cá. Trong đó: 45.950 tàu cá dài 6-12m, 18.425 tàu dài 12-15m, 27.575 tàu dài 15-24m, 2.662 dài >24m). Cả nước có 4.227 tổ đội hoạt động với 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên biển.

Nghề lưới kéo 17.078 tàu, chiếm 18,1%; nghề lưới vây 7.212 tàu, chiếm 7,6%; nghề lưới rê 33.538, chiếm 35,5%; nghề câu 16.043 tàu, chiếm 17%; nghề khác 17.543 tàu, chiếm 18,5%; tàu dịch vụ hậu cần 3.158 chiếc, chiếm 3,3%.

III. XUẤT KHẨU THỦY SẢN

Từ 1997-2020:  XK tăng gấp 11 lần, tăng trưởng trung bình hàng năm 10% từ 758 triệu USD lên 8,5 tỷ USD.

1. Sản phẩm xuất khẩu

- Thủy sản nuôi để XK chủ yếu là tôm và cá tra

XK tôm chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng trưởng cao nhất và ổn định nhất. Từ 1998-2020: XK tăng gấp hơn 8 lần từ 457 triệu USD lên 3,73 tỷ USD năm; tăng trưởng TB hàng năm 10%. Tỷ lệ trong tổng TS ngày càng gia tăng: từ 36% đến 50%.

XK cá tra tăng gấp 162 land từ 9,3 triệu USD lên 1,5 tỷ USD; tăng trưởng TB hàng năm 26%.  Tuy nhiên, tỷ lệ giảm từ 32% xuống  18%.

XK hải sản chiếm 30- 35% tổng XK thủy sản.  Từ 1998 – 2020: Kim ngạch tăng gấp 10 lần 315 triệu USD lên 3,2 tỷ USD; tăng trưởng TB hàng năm 11%. 

2. Thị trường xuất khẩu

Việt Nam XK thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó top 10 thị trường gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Anh, Canada, Nga, chiếm khoảng 92-93% tổng XK thủy sản của Việt Nam.

Trong top 6 thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN), trong những năm gần đây, XK sang EU chững lại, sang ASEAN, Hàn Quốc ổn định, trong khi XK sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất, XK sang Mỹ và Nhật Bản cũng duy trì tăng trưởng khả quan.

 III. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA NGÀNH THỦY SẢN     

  1. Chính phủ VN, ngành TS và DN TS ngày càng quan tâm đến ATTP, trách nhiệm môi trường – XH, các nhà máy chế biến đều áp dụng HACCP, ngày càng nhiều vùng nuôi, nhà máy chế biến đạt các chứng nhận bền vững như  ASC, GLOBAL GAP, MSC,VietGAP…
  2. Chính phủ, Bộ NN, TCTS và các cơ quan ban ngành ngày càng quan tâm phát triển ngành TS với mục tiêu và kế hoạch phát triển lớn. (QĐ số 1445/QD-TTg ngày 16/8/2013, phê duyệt  KH tổng thể phát triển ngành TS đến 2020, tầm nhìn tới 2030 )
  3. Có thể cung cấp khối lượng lớn thủy sản an toàn, chất lượng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào với tiềm năng của 28 tỉnh ven biển, nguồn đất/nước NTTS và ngành chế biến phát triển với hơn 600 DN XK.
  4. Tất cả DN chế biến, XK đều tư nhân, có thể chủ động đầu tư cho ngành thủy sản.
  5. Công nghệ chế biến phát triển có thể tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao.
  6. Đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng các nước nhờ nguồn cung ổn định, và áp dụng các mô hình khép kín, liên kết chuỗi tốt trong các ngành hàng.
  7. Có nguồn lao động tay nghề  cao và ổn định
  8.  Có nhiều hiệp định  FTA với các nước và vùng lãnh thổ mang lại lợi thế về thuế XNK và cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, VN đã tham gia 16 FTA, với các nước tham gia chiếm 73% XK thủy sản VN, trong đó 13FTA đã ký (chiếm 71% XK)
  9. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ T8/2020 và hiệp định UKVFTA  sẽ thúc đẩy XK sang EU và Anh

IV. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC NGÀNH THỦY SẢN

Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu sau:

1. Mục tiêu chung đến năm 2030

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

a) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm.

b) Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn.

c) Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

d) Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết