Khẩn cấp tìm giải pháp bảo vệ nguồn cá sản xuất nước mắm trước nguy cơ cạn kiệt

Đăng lúc: Thứ tư - 15/12/2021 20:01 - Người đăng bài viết: bomviethuynh
Khẩn cấp tìm giải pháp bảo vệ nguồn cá sản xuất nước mắm trước nguy cơ cạn kiệt

Khẩn cấp tìm giải pháp bảo vệ nguồn cá sản xuất nước mắm trước nguy cơ cạn kiệt

Nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam đang bị khai thác quá mức, đang có dấu hiệu suy giảm. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam là đặc biệt cần thiết...

Nguồn cá dùng chế biến mắm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt vì khai thác quá mức

Ngày 15/12/2021, tại Hà Nội, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo “Bảo vệ nguồn cá để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam”.

Tham dự Đại hội có ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện các cơ quan ban ngành, hội viên tham dự trực tiếp và hơn 200 hội viên tham dự trực tuyến.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo

Hiện nay nguồn lợi hải sản biển Việt Nam có trữ lượng khoảng 3,95 triệu tấn; trong đó, cá nổi nhỏ khoảng 2,45 triệu tấn; cá nổi lớn khoảng 940.000 tấn; cá đáy khoảng 408.000 tấn... Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm là nguồn cá nổi hiện có trữ lượng khoảng 2,45 triệu tấn được phân bố chủ yếu tại Vịnh Bắc Bộ, Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có 783 cơ sở sản xuất nước mắm; 1.500 hộ nông dân tham gia sản xuất nước mắm và 35 cơ sở sản xuất nước mắm xuất khẩu.

Với số lượng các cơ sở sản xuất nêu trên thì nhu cầu khai thác nguồn cá là rất lớn, vì vậy hải sản biển Việt Nam hiện đang bị khai thác quá mức và đang trong tình trạng suy giảm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như diện tích bảo tồn biển chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa kiểm soát được số lượng tàu cá phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; việc khai thác quá mức bằng các ngư cụ có tính hủy diệt; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường phát triển thủy điện, thủy lợi đã và đang ảnh hưởng đến đường di cư của loài thủy sản…

Những tác động này đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh. Mặt khác, ngành thủy sản Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng về khai thác, đánh bắt bất hợp pháp; cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, để bảo vệ nguồn cá, cần điều tra đánh giá sản lượng khai thác thường niên để có kế hoạch bảo vệ hợp lý, khoa học. Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài hải sản, xác định vị trí các bãi đẻ, bãi giống hải sản, xác định mùa sinh sản để làm cơ sở cho việc bảo vệ nguồn lợi (cấm hoặc hạn chế khai thác có thời hạn).

Yêu cầu về áp dụng nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử trong khai thác, bảo quản và sản xuất cá. Đặc biệt, cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt, hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác.

 

Tác giả bài viết: Song Hoàng
Nguồn tin: baomoi.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết